Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

[Chương I] Bài 2. Các di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh Đắk Lắk (P2)

Đăng bởi   vào  

II. MỘT SỐ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ TIÊU BIỂU CỦA TỈNH ĐẮK LẮK

1. Tháp Yang Prông

   Tháp Yang Prông là ngôi tháp cổ của người Chăm Sinhavarman III (tức Chế Mân) xây dựng vào cuối thế kỉ XIII đầu thế kỉ XIV. Yang Prông có nghĩa là "Thần vĩ đại". Tháp nằm trên địa phận xã Ea Rốc, huyện Ea Súp, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100 ki - lô - mét về phía tây Bắc.
   Tháp là một khối kiến trúc xây bằng gạch nung thon vút hình búp hoa. Tháp cao 9 mét (không kể chóp), mặt bằng của tháp hình vuông, mỗi cạnh 5 mét. Trên các mặt tường ngoài của tháp người ta làm các cửa giả, có một cửa duy nhất mở về hướng đông. Trên mái chồng chất những lớp gạch xếp nhỏ dần từ dưới lên trên. Trong lòng tháp không gian chật hẹp, càng lên càng hẹp.
   Sự có mặt của tháp Yang Prông giữa cao nguyên Đắk Lắk là một nét độc đáo hiếm thấy; là dấu vết vật chất minh chứng cho sự có mặt của người Chăm ở Đắk Lắk trong quá khứ.


Hình 10. Tháp Yang Prông (http://www.kienthuc.net.vn)


 Khám phá Tháp Yang Prông 

2. Đình Lạc Giao

   Đình được xây dựng vào năm 1928, tọa lạc tại số 67, đường Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột. Đình do dân làng Lạc Giao xây dựng với lời nguyền giao ước của đồng bào Kinh và đồng bào Thượng cùng chung sức, chung lòng xây dựng vùng đất mới.
   Đình dùng làm nơi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng và thờ thành hoàng là Đào Duy Từ được triều Nguyễn sắc phong.
   Đình xây dựng theo kiểu chữ Môn, với diện tích 100 mét vuông trong khuôn viên rộng 700 mét vuông. Tại đình, hằng năm dân làng Lạc Giao đều tổ chức các lễ tế : lễ Tế xuân (17/1 âm lịch) hay còn gọi là lễ Cầu an, cầu cho những người dân hiện tại được an cư lạc nghiệp; lễ Tế thu (16/8 âm lịch) - lễ Tế thần; lễ Cầu siêu (27/10 âm lịch) – lễ giỗ 100 chiến sĩ Nam tiến.


Hình 11. Đình Lạc Giao (www.denchuavietnam.com)

3. Đồn điền CADA

   Đồn điền cà phê CADA kéo dài từ ki - lô - mét 18 đến ki - lô - mét 47 ven quốc lộ 26 trên tuyến đường Buôn Ma Thuột đi Nha Trang.
   Đây là một trong những đồn điền ra đời sớm (năm 1922) trong quá trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp ở Đông Dương nói chung và Đắk Lắk nói riêng. CADA là từ viết tắt của cụm từ Compagnie Argicole d ' asie – Công ty Nông nghiệp Á Châu.
   Tháng 2/1940, tại đồn điền nổ ra cuộc đấu tranh lớn của công nhân, buộc Pháp phải nhượng bộ. Từ thắng lợi này, công nhân trong đồn điền ngày càng đoàn kết chặt chẽ hơn.
   CADA là nơi ra đời của Chi bộ đồn điền - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của công nhân tỉnh Đắk Lắk, nhằm tập hợp các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Sáng ngày 18/8/1945, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ trước trụ sở Uỷ ban Cách mạng lâm thời của đồn điền, đánh dấu mốc son sáng ngời của công nhân đồn điền CADA trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp.
   Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công nhân đồn điền CADA tích cực tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và mùa Xuân năm 1975, góp phần giải phóng Đắk Lắk, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Hình 12. Nhà tập thể của công nhân đồn điền CADA (http://baodaklak.vn)

4. Nhà đày Buôn Ma Thuột

   Nhà đày Buôn Ma Thuột nằm ở số 18 đường Tán Thuật, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột.
   Nhà đày do thực dân Pháp thiết lập trong giai đoạn 1930 - 1931 de giam giữ những người yêu nước, những dảng viên cộng sản với một chế độ đày ải hết sức khắc nghiệt và tàn bạo. Với tinh thần và ý chí đấu tranh kiên cường, những chiến sĩ cộng sản bị giam giữ đã biến Nhà đày thành trường đào tạo về văn hoá, chính trị, lí luận, quân sự và trở thành những người gieo mầm cách mạng vào mảnh đất cao nguyên đất đỏ này. Chi bộ Đảng Nhà dày Buôn Ma Thuột có vai trò quan trọng trong công cuộc vận động Cách mạng tháng Tám ở Đắk Lắk, góp phần không nhỏ vào sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam nói chung và của tỉnh Đắk Lắk nói riêng.


Hình 13. Cổng Nhà đày Buôn Ma Thuột (https://vi.wikipedia.org)


Nhà đày Buôn Ma Thuột

5. Hang đá Đăk Tuôr (Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk)

   Di tích nằm tại sườn núi Chư Yang Sin thuộc buôn Đắk Tuổr, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.
   Trong dãy núi Chư Yang Sin có một hang đá tự nhiên được tạo thành từ những tảng đá hình khối lồi lõm không đều nhau nằm ở vị trí khá hiểm trở. Những tảng đá trong hang nhỏ nhất cũng phải 6 – 7 tấn, tảng đá trên nóc hang nặng gần 20 tấn. Mặt sau của hang dựa vào triền núi, phía bên phải trải triễn ra thành những ngóc ngách. Trong những năm kháng chiến chống Mĩ, hang đá Đắk Tuôr có thời gian là nơi trú đóng của Tỉnh uỷ Đắk Lắk. Tại đây, tháng 5/1965, Tỉnh uỷ đã lãnh đạo nhân dân vùng dậy giải phóng vùng đất phía đông của tỉnh, nay là huyện Krông Bông. Năm 1975, Tỉnh uỷ tiếp tục lãnh đạo nhân dân nổi dậy, góp phần giải phóng thành phố Buôn Ma Thuột vào ngày 10/3/1975, mở màn cho đại thắng mùa xuân, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.


Hình 14. Lối vào hang Đắk Tuôr (http://www.vietnamtourism.com)

6. Biệt điện Bảo Đại

    Biệt điện Bảo Đại toạ lạc tại số 2 đường Y Ngông, phường Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đây là khu biệt điện của vua Bảo Đại lúc đương vị. Ngôi nhà vốn là Toà nhà Công của Chính phủ Pháp tại Tây Nguyên, năm 1950 được giao lại cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam, khi Buôn Ma Thuột được đặt trong vùng đất Hoàng triều Cương thổ.
   Trước năm 1975, toà nhà được sử dụng làm nhà nghỉ cho các tướng tá chính quyền Việt Nam Cộng hoà mỗi khi công tác tại Đắk Lắk. Sau năm 1975, toà nhà được dùng làm nhà khách tỉnh Đắk Lắk trong một thời gian dài, sau một phần khuôn viên được dùng để xây dựng Bảo tàng các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk.
   Hiện bảo tàng trưng bày rất nhiều hiện vật có giá trị về văn hoá của các dân tộc đang sinh sống tại Đắk Lắk.


                            Hình 15. Biệt điện Bảo Đại (ditichlichsuvanhoa.vn)

7. Tượng đài Mậu Thân 1968

   Tượng Đài Mậu Thân 1968 thuộc khối 10, phường Tân Hoà, thành phố Buôn Ma Thuột.
   Tượng được dựng lên từ nguyên mẫu là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Thị Hườn (Má Hai). Trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Má Hai cùng đoàn biểu tình cánh đồng tiến về thị xã. Má Hai cầm cờ đi đầu đã bị thương nhưng vẫn hiên ngang giương cao lá cờ và hô hào chị em tiến lên cho đến khi Má ngã xuống. Cuộc chiến đấu của đồng bào với dịch diễn ra vô cùng ác liệt, bị thương vong trên 200 người, đoàn biểu tình không tiến vào được thị xã.
   Tượng đài Mậu Thân 1968 không chỉ có ý nghĩa về lịch sử mà còn mang tính giáo dục sâu sắc, là biểu tượng ca ngợi sự hi sinh anh dũng, cao cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.


Hình 16. Tượng đài Mậu Thân (http://thegioidisan.vn)

8. Quần thể hang đá Khuê Ngọc Điền

   Quần thể hang đá Khuê Ngọc Điền thuộc xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông. Trong kháng chiến chống Mĩ, đây là điểm che giấu, bảo vệ nhân dân trong vùng khỏi sự càn quét của Mĩ – nguỵ và là cơ sở hoạt động bí mật, vững chắc của lực lượng cách mạng cho tới ngày toàn thắng. Đây cũng là địa điểm ghi dấu tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân xã Khuê Ngọc Điền trong những năm kháng chiến ác liệt, thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, minh chứng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Việt Nam.


Hình 17. Bia tưởng niệm (http://ditichdaklak.org.vn)



9. Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Nam tiến Buôn Ma Thuột

    Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Nam tiến Buôn Ma Thuột nằm ở số 5 đường Lê Duẩn, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột.
    Nơi đây đã diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng giữa quân dân Đăk Lăk và các chiến sĩ Nam tiến với quân Pháp xâm lược. Ngày 1/12/1945 (tức ngày 27/10 năm Ất Dậu), trong khi nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột vẫn sinh hoạt bình thường thì quân Pháp tràn đến. Cuộc chiến đấu không được chuẩn bị trước diễn ra trên các con phố. Hơn 100 chiến sĩ Nam tiến của chi đội Vi Dân dã hi sinh tại dồn Bảo An binh (về sau là Khu thông tin triển lãm của tỉnh, nay là số 5 đường Lê Duẩn). Tổn thất này đã để lại niềm thương tiếc sâu sắc trong lòng người dân Đắk Lắk. Từ đó, nhân dân làng Lạc Giao, nơi chịu nhiều tổn thất đau thương, từng chứng kiến những tấm gương hi sinh anh dũng của các chiến sĩ, đã lấy ngày 27/10 âm lịch hằng năm làm ngày giỗ các chiến sĩ hi sinh và đồng bào tử nạn.

10. Bến phà Sêrêpốk

   Bến phà Sêrêpốk nằm trên địa bàn xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn.
   Trong thời kì chống Mỹ cứu nước, bến phà Sêrêpốk thuộc thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, là địa điểm thường xuyên bị kẻ thù đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt mọi chi của hậu phương miền Bắc cho chiến trường Tây Nguyên nói riêng và miền Nam nói chung. Để giữ vững con đường huyết mạch và chiến lược này, quân và dân ta đã anh dũng đánh trả hàng nghìn lượt tập kích bằng không lực hiện đại của đối phương, lập nên những chiến công hiển lách, góp phần đi đến thắng lợi cuối cùng (30/4/1975).


Hình 18. Bến phà Sêrêpốk 1974 (http://baodaklak.vn)


Không có nhận xét nào: